Kỹ năng bảo vệ cho học sinh trên internet – đến khi nào…?

Posted by

Xã hội và ngành giáo dục đang ngày càng quan tâm đến việc trang bị cho học sinh những kỹ năng sống quan trọng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường để các em có thể tự tin khi trưởng thành và trước những yêu cầu mới của thời đại. Những kỹ năng về tư duy sáng tạo, làm việc nhóm, phòng chống đuối nước… liên tục được xây dựng và tổ chức, thế nhưng một lĩnh vực đang rất phát triển và cũng mang lại nhiều hiểm họa khôn lường cho cuộc sống các em hiện nay dường như vẫn còn đang bỏ ngỏ – kỹ năng trên môi trường internet!

Việc luật hóa các hành vi gây nguy hiểm cho xã hội trên môi trường internet từ 2015 đã cho chúng ta thấy được mức độ quan trọng của việc ngăn chặn những tác động tiêu cực ngày một hiện hữu của thế giới “ảo” đối với cuộc sống “thật”. Nhưng nếu chỉ có luật thôi thì chưa đủ để xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh, lợi ích tích cực thật sự cho mỗi cá nhân, cả xã hội… đặc biệt là trẻ em ngày nay đang được lớn lên, chung sống và phát triển với sự bùng nổ của internet thông qua các ứng dụng và các các thiết bị.

Cứ một thời gian ngắn, dư luận lại lo lắng với những vụ việc như trẻ em lên mạng học cách chế tạo pháo nổ, sử dụng súng, thực hiện các thử thách rùng rợn gây nguy hiểm đến tính mạng… không những thế những kẻ biến thái “ẩn danh” vẫn đang chờ chực tiếp cận, dụ dỗ các em đang trong lứa tuổi dậy thì đang ngày ngày vô tư lướt web, mạng xã hội mà không chút kỹ năng đề phòng cảnh giác. Xa hơn nữa là những nguồn thông tin kích động, sai lệch, cực đoan về khoa học, quan điểm sống, đạo đức dẫn đến các em dễ bị cuốn theo chiều hướng nguy hại, tiêu cực. Những điều này rõ ràng người lớn chúng ta khó có thể nắm bắt hay lường trước được!

Và ngay đâu xa chính người lớn chúng ta cũng thường xuyên phải lúng túng và lo sợ trước tình trạng bị lộ thông tin cá nhân phục vụ cho kẻ xấu hay các tổ chức kinh doanh, quảng cáo, lừa đảo… trong quá trình sử dụng internet thì chắc chắn điều này càng trở nên cần thiết hơn khi phải trang bị cho thế hệ trẻ em những kỹ năng, hành trang tự bảo vệ mình ngày từ lúc này!

Làm sao để bảo vệ thông tin cá nhân các em?

Cookies trên trình duyệt có nên chia sẻ? định vị trên thiết bị di động nên bật lúc nào, những ứng dụng nào nên cài đặt? thiết lập quyền riêng tư trong tài khoản như thế nào cho phù hợp? chế độ ẩn danh có thực sự an toàn?… hàng loạt các câu hỏi ấy có lẽ bộ môn Tin học hiện nay khó mà trang bị được đầy đủ, đúng mức cho các em và thậm chí bản thân các em cũng đang rất chủ quan cho việc bảo vệ thông tin cá nhân của mình ngay lúc này để không bị kẻ xấu lợi dụng.

Tiếp cận thông tin như thế nào, sàng lọc ra sao?

Khi internet trở thành một công cụ tìm nguồn tài liệu hữu ích cho các em đặc biệt trong quá trình học tập khi phải hoàn thành nhiệm vụ nào đó…một từ khóa được gõ sẽ có vô vàn những đường link để các em tiếp cận, tham khảo.

Dấu hiệu nào để nhận thấy đây là kênh youtube có nội dung nguy hại? ứng dụng nào có chứa mã độc? Website nào có dấu hiệu lừa đảo, chứa nguồn thông tin không chính thống? Người đang trò chuyện với mình đang muốn xâm hại, đầu độc những thông tin lệch lạc hay lừa đảo mình… ?

Vô vàn các tình huống đang xuất hiện ngày càng nhiều và đa dạng, nếu không tỉnh táo và được trang bị kỹ năng tốt thì trẻ em rất dễ trở thành nạn nhân với những hệ quả khôn lường. Và đặc biệt là những quan điểm tôn giáo cực đoan, giới tính lệch lạc, thử thách nguy hiểm xung quanh các em sẽ khiến cho hành vi, quan điểm sống, nhiều giá trị đạo đức dần biến đổi trong chính bản thân các em.

Vậy chúng ta để mặc trẻ tự trải nghiệm và trưởng thành?

Một thế hệ con trẻ đang được lớn lên trong thời buổi bùng nổ thông tin với những môi trường hoàn toàn mới đòi hỏi người lớn chúng ta đã đến lúc phải quan tâm và có những chương trình đào tạo bài bản, khoa học, đúng mức để các bạn trẻ sẽ luôn tự tin trước những biến đổi chóng mặt của internet ngay bây giờ và cả trong tương lai. Nếu không quan tâm ngay từ bây giờ thì sẽ còn rất nhiều những sự việc đáng tiếc xuất phát từ việc thiếu kỹ năng bảo vệ chính mình trên internet gây ra cho gia đình và xã hội….

Ngành giáo dục, các nhà khoa học công nghệ, chuyên gia tâm lý và các tổ chức thanh thiếu nhi nên sớm cùng ngồi lại với nhau để các em sẽ không phải “tự mình trải nghiệm & trưởng thành”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *